Bờ biển dài 66 km phía Đông Bắc Đài Loan với những hệ đá độc đáo, hải đăng lịch sử là cung đường khiến bất kỳ ai yêu thích thiên nhiên và công trình mang dấu ấn đặc trưng bị mê hoặc.

Bờ biển Nanya
Nanya được mệnh danh là cửa ngõ để đến với bờ biển Đông Bắc Đài Loan. Từ cột mốc này tiếp tục đi, bạn sẽ không còn thấy những đô thị hay nhà máy nào – thậm chí là những chiếc xe buýt chở đầy du khách cũng không xuất hiện. Quang cảnh phía trước là núi non chập trùng, biển xanh sóng cuộn hay những làng chài thanh bình.

=> Xem thêm: Xe jeep đi Bàu Trắng

Nanya chào đón du khách bằng những tác phẩm nghệ thuật đá được sóng biển, gió và thời gian kỳ công tạo tác. Có người đã ví von những dãi đá ở đây với bờ biển Hawaii, toàn cảnh như một bức tranh trừu tượng của danh họa.

Vân đá cũng cho ta cảm giác như đang lạc vào một khu đất trên mặt trăng. Địa hình đá có hoa văn tại bờ biển này được xem là hiếm có tại Đài Loan nhờ quá trình phong hóa sa thạch và xói mòn bờ san hô ven biển. Vài tảng đá dễ thương như hình một con cá như đang bơi chẳng hạn.

Bạn hãy cẩn thận bước qua một vài tảng đá với nhiều hình dáng khách nhau, đặt chân xuống làn nước trong vắt để vài cây thủy sinh nhẹ nhàng vuốt ve đôi chân trần.

Đạp xe xuyên đường hầm Caoling 2km
Hầm đường sắt này được xây dựng năm 1924 dành cho tàu hỏa. Năm 1985, hầm này được tu sửa thành đường hầm xe đạp. Giá thuê xe đạp là 100 tệ/xe (khoảng 75.000 đồng) mỗi giờ và 300 tệ cho xe đạp điện.

Đường hầm mới cho xe lửa được xây dựng ngay bên cạnh nên khi xe lửa chạy ngang, bạn vừa đạp xe vừa nghe tiếng tàu khá ấn tượng.
Bên trong đường hầm vẫn được thắp sáng bằng những ngọn đèn vàng mờ ảo. Đi xe trong hầm, khi gió luồn mạnh qua sau ót, một cảm giác lạnh người chạy dọc sống lưng khiến tôi vội nhấn ga chiếc xe đạp điện để bắt kịp ai đó phía trước mình. Thật may vì tôi đã chọn xe đạp điện thay vì xe đạp thông thường để đi hết tuyến đường hầm không dành cho bất kỳ xe gắn động cơ nào.

Sau khi vượt qua nguồn sáng từ cuối đường hầm, cả khung trời cây xanh, gió biển lồng lộng hiện lên trước mắt. Bạn như vừa khám phá ra một kho báu thiên nhiên yên bình.

Có những ống nhòm đặt trên các đài quan sát để bạn nhìn rõ hơn những con tàu tí hon đang rong rủi giữa biển khơi xanh thẫm. Nếu may mắn, bạn sẽ được nghe bản hòa âm giữa tiếng kèn của một nghệ sĩ đường phố và tiếng sóng vỗ.

Hải đăng mũi Sandiao
Hải đăng Sandiao cao 16.5m, được xây dựng năm 1935, tọa lạc tại vị trí cực đông của Đài Loan. Đây là nơi đón ánh bình mình đầu tiên trên hòn đảo này. Những tia nắng trở nên rực rỡ hơn bao giờ hết khi chiếu rọi vào ngọn hải đăng trắng tinh tươm này.

Hải đăng còn có một tên khác là Santiago, tên người Tây Ban Nha đặt cho khu vực này. Ánh sáng nhấp nháy của hải đăng có thể được nhìn từ khoảng cách 25 hải lý. Du khách có thể thăm quan khu vực triển lãm để hiểu rõ hơn về các thiết bị và lịch sử của ngọn hải đăng.
Ấn tượng đầu tiên của du khách sẽ là cảm giác như được ghé thăm một trạm quan sát thiên văn. Quang cảnh khoáng đạt với cỏ xanh, gió biển rì rào và hai công trình kiến trúc nổi bật trên nền trời khiến nơi đây trở thành địa điểm lý tưởng để quay phim hay chụp ảnh cưới.

Đi qua khu vực ngọn hải đăng, những cung đường đầy cây xanh và hành lang gỗ uốn lượn hút mắt sẽ khiến bạn vô cùng hào hứng bước tiếp đến đài quan sát nhìn ra cả một đại dương sóng vỗ trắng xóa.

Lâu đài Cà Phê Mr. Brown
Kết thúc hành trình, bạn có thể ghé quán cà phê số 1 Đài Loan, Mr. Brown. Biết bao người lặn lội hàng giờ từ trung tâm Đài Bắc, rồi tiếp tục rồng rắn nối đuôi nhau chạy lên ngọn đèo cao chỉ để có thể nhâm nhi tách cà phê trứ danh này.

Tôi ghé quán vào ngày trong tuần mà vẫn cảm nhận được cái không khí tấp nập xếp hàng và mỏi mắt tìm chỗ ngồi của thực khách đến lâu đài cà phê này.

=> Xem thêm: Trượt cát ở Mũi Né

Nguồn Sưu Tầm