Nếu được nhận biết sớm và có giải pháp phòng ngừa ung thư phổi hiệu quả sẽ giúp quá trình điều trị bệnh trở nên dễ dàng và tiết kiệm chi phí hơn.

Cũng như các loại bệnh ung thư khác, nếu như được chữa trị tích cực trong giai đoạn sớm thì khả năng sống sót của bệnh nhân ung thư phổi là tương đối cao. Ví dụ: nếu phát hiện và điều trị ở giai đoạn 1 thì tỷ lệ điều trị ung thư phổi thành công lên tới 70%, nếu phẫu thuật khi bệnh ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư phổi sau 5 năm là 40-50%, nếu bắt đầu điều trị từ giai đoạn muộn (không còn khả năng thực hiện phẫu thuật) thì tỷ lệ tử vong trong 6-12 tháng lên tới 90%.

Dấu hiệu gợi ý bệnh ung thư phổi

Các dấu hiệu của ung thư phổi trong giai đoạn sớm thường không có biểu hiện đặc trưng nên việc chẩn đoán khá khó khăn. Tuy nhiên, có thể căn cứ vào các triệu chứng sau để chuẩn bị tâm lý thăm khám bệnh kịp thời:

– Ho nhiều và ho dai dẳng dẫn đến tình trạng khản tiếng kéo dài trong nhiều tuần. Đây là triệu chứng thường gặp chiếm tới 70% các trường hợp ung thư phổi. Ho khan tiếng có thể do khối u xâm lấn làm liệt dây thanh âm. Đặc biệt, đối với đối tượng nam giới từ 40 tuổi trở lên, thường xuyên hút thuốc (thuốc lào, thuốc lá) nếu thấy xuất hiện tình trạng ho khan kéo dài thì cần nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám.

– Ho ra đờm, trong đờm có lẫn máu kể cả lượng máu rất ít thì vẫn là một dấu hiệu xấu, có thể là cảnh báo bệnh ung thư phổi hoặc một bệnh lý nghiêm trọng khác.

– Nếu khối u phát triển và xâm lấn lên đỉnh phổi, thành ngực và các dây thần kinh cánh tay sẽ gây ra hiện tượng đau nhức vai, cánh tay cùng với hiện tưởng ngứa ran ở bàn tay.

– Đau ngực dai dẳng, cảm giác khó thở, khó nuốt, tim đập nhanh, hồi hộp… là do khối u chèn áp đường thở.

– Xuất hiện dấu hiệu sụp mi mắt, mắt lõm vào trong hốc mắt, đồng tử bị co lại, mồ hôi không bài tiết ở phần mặt cùng phí với bên tổn thương do khối u phát triển ở đỉnh phổi, xâm lấn lên hệ thần kinh giao cảm.

-Tình trạng nhiễm trùng diễn ra thường xuyên khiến bệnh nhân hay mắc các vấn đề về hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi mãn tính.

Cách phòng ngừa ung thư phổi

Theo các bác sĩ khoa ung bướu của Bệnh viện Hồng Ngọc, để phòng ngừa ung thư phổi, mỗi người cần xây dựng lối sống lành mạnh và khoa học như sau:

– Không hút thuốc lá và thuốc lào bởi đây là nguyên nhân ung thư phổi. Tỷ lệ mắc ung thư phổi của những người nghiện thuốc lá cao gấp 10 lần so với những người khác. Do đó, việc quan trọng đầu tiên để phòng ngừa ung thư phổi là từ bỏ thuốc lá cũng như tránh xa những nơi có khói thuốc.

– Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung nhiều trái cây tươi và rau xanh như súp lơ, táo, cam, cà chua, rau chân vịt, hành…

– Thường xuyên vận động và tập luyện thể dục thể thao cũng là cách phòng ngừa ung thư phổi hữu hiệu.

– Hạn chế tới mức tối đa việc tiếp xúc với kim loại nặng và các chất phóng xạ.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, với những trường hợp thuộc nhóm nguy cơ cao (nghiện thuốc lào, thuốc lá, nam giới trên 40 tuổi) nên khám định kỳ tầm soát ung thư phổi thường xuyên. Có thể thực hiện các xét nghiệm máu, xét nghiệm tế bào ác tính ở trong đờm và chụp X-quang phổi mỗi năm 1 lần để kiểm soát tình trạng sức khỏe của bản thân