Với mong muốn nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quá trình sản xuất, giúp người lao động đảm bảo sức khỏe, tránh bệnh nghề nghiệp liên quan, 4 sinh viên trẻ của Trường Cao đẳng nghề Kinh tế - Kỹ thuật Việt Nam - Hàn Quốc đã sáng tạo mô hình tự động sắp xếp, phân loại sản phẩm độc hại. Tuy ý tưởng này mới được nhen nhóm và phải thử nghiệm, thay đổi nhiều lần nhưng những nỗ lực, tâm huyết của các em rất đáng ghi nhận, nhất là trong hoàn cảnh người lao động đang phải đối mặt với vô vàn thách thức, chịu ảnh hưởng của các căn bệnh nghề nghiệp trong khi điều kiện chăm sóc, điều trị còn nhiều hạn chế.

Hệ thống sắp xếp sản phẩm độc hại của 4 sinh viên trẻ: Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Hữu Phúc, Hồ Vĩnh Đạt, Trương Công Cương (lớp Cơ Điện tử 2A thuộc Khoa Kỹ thuật điện tử, Trường Cao đẳng nghề Kinh tế - Kỹ thuật Việt Nam - Hàn Quốc) nhìn qua khá đơn giản.
Nhóm sinh viên đang hoàn thiện mô hình tự động phân loại sản phẩm độc hại
Thành phần cấu tạo cơ bản của sản phẩm này gồm 2 phần chính là phần điều khiển và phần cơ cấu chấp hành. Trong đó, phần điều khiển gồm bộ logic có thể lập trình (Programmable Logic Controller) PLC S7 - 1200, cảm biến (sensor), hệ thống van khí nén; phần cơ cấu chấp hành gồm xi lanh và băng tải.

Với mô hình này, chỉ cần ngồi từ xa bấm nút điều khiển, toàn bộ hệ thống sẽ tự sắp xếp các sản phẩm mang tính chất độc hại của các nhà máy, xí nghiệp vào từng vị trí, đóng gói ngăn nắp. Ngoài ra, mô hình này còn có chức năng đa dạng như tự động sắp xếp, phân loại sản phẩm hư hỏng, phân theo màu sắc, hình dáng...

Em Nguyễn Văn Nam, thành viên trong tổ cho biết: Đề tài “Điều khiển trạm tay máy và phân loại sản phẩm sử dụng PLC S7- 1200” xuất phát từ đặc điểm, nhu cầu trong quá trình sản xuất hiện nay. Song song với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp, con người nói chung và người lao động nói riêng phải đối mặt với vô vàn rủi ro, nhất là trong những ngành, nghề có chất độc hại. Để giảm bớt ảnh hưởng xấu của quy trình sản xuất đến người lao động, nhóm đã cho ra đời mô hình tự động này.

Ý tưởng đã được các thành viên nhen nhóm cách đây 1 năm và bắt đầu triển khai được khoảng 2 tháng. Mô hình này có thể được ứng dụng trong các nhà máy sản xuất phôi, sản xuất nước giải khát, sữa...

Riêng trong năm học 2015 - 2016, tại Trường Cao đẳng nghề Kinh tế - Kỹ thuật Việt Nam - Hàn Quốc đã có 108 sinh viên đăng ký thực hiện 25 đề tài về những ứng dụng liên quan đến khoa học công nghệ.

Có thể thấy, việc đầu tư trực tiếp vào khoa học công nghệ trên cả nước nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng đang còn gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Nguyễn Viết Hùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ: Vì nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với hướng đầu tư này bởi thời gian đầu tư dài, vốn lớn, trong khi hiệu quả trực tiếp, lợi nhuận chưa thực sự rõ ràng. Hiện nay, chủ yếu tại các nhà máy, trong quá trình sản xuất, công nhân thường chủ động cải tiến những máy móc để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.

Lãnh đạo Sở luôn ủng hộ và khuyến khích những sáng tạo trong ứng dụng, mô hình của các bạn trẻ, nhất là của sinh viên các trường nghề. Tuy còn phải khắc phục và hoàn thiện dần dần, song những ý tưởng bước đầu này sẽ giúp các em duy trì niềm đam mê của mình, tạo cơ sở để đưa ứng dụng triển khai vào thực tế trong thời gian không xa, góp phần từng bước nâng cao năng suất lao động.