Bình Định – nơi mà trời và đất, núi và biển giao thoa với nhau tạo nên những khung cảnh đẹp lãng mạn như một bức tranh thủy mặc. Khi tới những địa điểm du lịch Bình Định, bên cạnh việc ngắm nhìn những cảnh đẹp đến ngây người ấy, bạn cũng đừng quên thử qua 6 món ăn ngon sau đây sẽ là trải nghiệm thú vị dành cho bạn đấy.

1. Bún chả cá Quy Nhơn

Bún chả cá chính là món đặc sản nổi tiếng nhất ở thành phố Quy Nhơn – thành phố biển đầy nắng và gió sở hữu vẻ đẹp mĩ lệ. Điều khác biệt của món bún chả cá nơi đây so với bún chả cá ở những nơi khác chính là chả cá và nước dùng. Chả cá ở đây được chế biến 100% từ cá tươi nguyên chất với nhiều gia vị được nêm nếm kĩ lưỡng, tỉ mỉ theo phương thức gia truyền. Nước dùng được nấu từ xương cá, đầu cá tạo nên vị ngọt dễ chịu, khó quên. Thêm nữa, khi ăn kèm với bún chả cá còn có chén tương ớt đặc trưng được pha chế chỉ Bình Định mới có.

2. Bánh xèo


Đây chính là một món ăn nổi tiếng không kém ở đất võ Bình Định – bánh xèo tôm nhảy. Người Bình Định chọn lựa rất kỹ những nguyên liệu để làm bánh từ bột gạo có quyện chút bột nghệ và nước cốt dừa cho đến những con tôm đất nhỏ nhưng vô cùng chắc thịt. Bánh xèo Bình Định không quá to như trong miền Nam mà được đổ vào nhiều khuôn nhỏ, vừa vặn để dễ cuốn để ăn cùng với bánh tráng. Bánh xèo vừa khi ăn vừa đậm vị lại vừa giòn thơm để lại dư vị khó quên cho các thực khách. 1 số địa phương chế biến bánh xèo ngon nổi tiếng có thể kể tên Hoài Đức (Hoài Nhơn), Mỹ Cang (Phù Mỹ),...

3. Mắm nhum Mỹ An


Nhum có rất nhiều, để muối mắm thì nhất định phải là nhum ta màu đen. Cách chế biến như sau: Cắt sơ những chiếc gai nhọn xung quanh con nhum rồi khoét 1 lỗ ngay chỗ miệng nhum, sau đó khều lấy thịt nhum bỏ vào chum sành. Tiếp đến rắc một ít muối hạt lên trên và cuối cùng đem vùi vào bếp tro hoặc "giang" nắng từ khoảng 10-15 ngày. Mắm nhum khi chín nhuyễn tan, sền sệt, màu đỏ đục, thơm nức. Mắm nhum không phổ biến như các loại mắm khác nên nhiều khi, có tiền cũng không thể nào mua được vì không biết nơi nào bán, hay người có cũng chỉ dùng để đãi khách quý hoặc để dành tặng người thân.

4. Bánh hỏi Diêu Trì

Bánh hỏi có nguồn gốc từ Diêu Trì,- món ăn không thể thiếu trong mỗi buổi sáng của người dân Bình Định. Món bánh hỏi Diêu Trì được làm từ gạo như cách làm bún. Nhưng điểm khác biết là sợi bánh lại thanh mảnh hơn. Ăn kèm với bánh hỏi là lòng và thịt lợn thái miếng, bên cạnh là một chén cháo nóng hổi cùng nước chấm tỏi ớt pha hơi ngọtphù hợp với khẩu vị của người miền Trung.

5. Nem chợ Huyện


Món nem chợ Huyện Bình Định không mềm như nem của Thủ Đức, không ngọt như nem Lai Vung hay nem An Cựu mà dai dai, sần sật, chua giòn đã miệng vô cùng. Nem rất tươi ngon, nướng với than, ăn kèm với bánh, chả ram, rau mùi, chuối, tía tô, rau răm, dưa leo, khế xắt nhỏ, nước chấm và vài múi tỏi, trái ớt càng tuyệt.

6. Bún tôm Châu Trúc


Có 1 tô bún tôm Châu Trúc thơm ngon đặt lên bàn ăn phải trải qua nhiều công đoạn chế biến công phu. Đầu tiên là làm bún, gạo được ngâm cho mềm rồi mang đi xay sau đó cho vào túi vải đăng ráo nước. Bột khi đã ráo nước sẽ được đưa vào cối giã nhuyễn. Tôm dùng để nấu bún nhất thiết phải là loại tôm đất được đánh bắt từ đầm Châu Trúc, còn tươi sống, nhảy tanh tách, bỏ vào cối giã nhuyễn cùng với một chút muối, ớt... Khi có khách đến ăn bún, người bán dùng đũa gẩy 1 đũa thịt tôm cho vào bát, nêm 1 chút bột ngọt, nước mắm, múc nước luộc bún đang sôi đổ vào bát khuấy đều, tiếp đó cho bún vào, rắc mấy cọng hành ngò, chút tiêu. Món này dọn kèm với bánh tráng nướng thơm nức, giòn tan.

>>> Có thể xem thêm: Hướng dẫn cách làm món hủ tiếu xào ngon nhất